Được biết đến ngày thứ 6 tham gia hội chợ, 43 sản phẩm OCOP thuộc
gian hàng của Hội Nông dân tỉnh đã không còn hàng để bán, ước tính doanh số bán
hàng lên tới 200 triệu đồng, tăng gấp đôi so với Hội chợ xuân 2014. Cũng giống
như gian hàng OCOP của Hội Nông dân tỉnh, mặc dù đã tích trữ khoảng 300 chai
rượu Bâu, 200 chai rượu sim và 40kg nấm tươi các loại nhưng đến tối 14-2, gian
hàng OCOP của huyện Hoành Bồ cũng đã không còn hàng để bán. Tại các gian hàng
bán sản phẩm OCOP của huyện Đông Triều và Hội Nông dân tỉnh cũng trong tình
trạng “cháy hàng” do lượng khách quá đông.
Ghi nhận của PV Báo Quảng Ninh tại Hội chợ xuân 2015, không ít
người dân tham gia bởi “sức hút” từ các mặt hàng nông sản của tỉnh. Bà Nguyễn
Thị Xuyến (tổ 7, khu 2, phường Cao Thắng, TP Hạ Long) cho biết: Các sản vật đặc
trưng của các địa phương như trứng vịt biển, củ cải Đầm Hà, mộc nhĩ đen Hoành
Bồ, bánh gật gù Tiên Yên, rượu bâu Hoành Bồ… vốn tôi đã nghe tiếng từ lâu nhưng
không phải lúc nào cũng có điều kiện để ra tận Đầm Hà, Tiên Yên hay vào Hoành
Bồ mua, chính vì vậy nên 2 năm trở lại đây, lần nào có hội chợ tôi cũng đi để
mua những đặc sản này về ăn Tết và làm quà cho họ hàng. Hy vọng rằng, không chỉ
ở các kỳ hội chợ mà thời gian tới, người tiêu dùng như chúng tôi sẽ tiếp cận
với các sản phẩm này dễ dàng hơn như các hàng hoá thông thường ở chợ. Không
giống như Hội chợ xuân 2015 chỉ diễn ra trong 7 ngày (từ ngày 8 đến 15-2), sản
phẩm OCOP tại siêu thị BigC Hạ Long được bày bán quanh năm, tuy nhiên đến chiều
ngày 16-2 (tức ngày 28 Tết), các sản phẩm này cũng còn rất ít. Vừa xếp những
chai rượu ba kích cuối cùng lên kệ, anh Nguyễn Tuấn Minh, nhân viên siêu thị
vừa giải thích: Ở khu vực này chúng tôi có tất cả 7 dòng sản phẩm về rượu ba
kích tím và rượu mơ Yên Tử, mỗi loại nhập khoảng 20 thùng. Nhưng đến giờ thì
chỉ còn lại 3 loại rượu ba kích tím với số lượng khoảng 4 thùng, riêng rượu mơ
Yên Tử thì cách đây 5 ngày đã không còn hàng để bán. Ngay cả khu vực bày bán
trứng gà Tân An cũng chỉ còn lại vài chục hộp, chắc đến 29 Tết là tiêu thụ hết.
Đứng kế bên chúng tôi, anh Bùi Văn Mạnh (tổ 3, khu 6, phường Hồng Hải) đang tìm
mua rượu mơ Yên Tử cho biết, hiện nay thị trường có rất nhiều loại rượu khác
nhau nhưng thật giả lẫn lộn. Mua rượu mơ Yên Tử tôi cảm thấy rất yên tâm về
chất lượng, mẫu mã lại đẹp, sản phẩm có bao bì, nhãn mác, ghi rõ nguồn gốc, hạn
sử dụng… tiếc là hôm nay ra đã hết hàng.
Còn tại Trường Sa quán, khu Thể thao Văn hoá, Công ty CP Than Núi
Béo (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) và cửa hàng OCOP huyện Hoành Bồ (thị trấn
Trới, huyện Hoành Bồ) là 2 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của
tỉnh, sức tiêu thụ của các sản phẩm OCOP trong dịp Tết này cũng rất tốt. Theo
ông Phùng Danh Thảo, quản lý tại Trường Sa quán, hiện một số mặt hàng như măng
mai Ba Chẽ, bánh chả Tiên Yên, kẹo lạc hồng Hoành Bồ… cửa hàng nhập đến đâu bán
hết đến đấy. Chỉ tính riêng đợt Tết Nguyên đán này, cửa hàng đã tiêu thụ được
hơn 1 tấn miến dong Bình Liêu, 600 chai mắm Cái Rồng, hàng trăm chai rượu thảo
dược Bình Liêu, dầu sở Bình Liêu. Không những mua về sử dụng, năm nay nhiều
người đã mua hàng OCOP để đóng thành túi quà biếu người thân và bạn bè.
Từ những tín hiệu vui trên cho thấy, sản phẩm OCOP Quảng Ninh
đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, tạo điều kiện cho người tiêu dùng
trên địa bàn tỉnh tiếp cận những thực phẩm “sạch”, chất lượng cao của tỉnh nhà.
Hy vọng rằng trong thời gian tới, các địa phương sẽ nhanh chóng thực hiện tiêu
chuẩn hoá các sản phẩm đã đăng ký và đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng được những
đơn hàng lớn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đặc biệt là trong dịp Tết
Nguyên đán.
Hoàng Nga