Nâng tầm sản phẩm OCOP
Có thể khẳng định, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (còn có tên gọi là OCOP) của Quảng Ninh đã bắt đầu bước vào giai đoạn gặt hái “mùa trái ngọt”. Những cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tuy chưa nhiều song cũng đã được người tiêu dùng biết đến với sự lựa chọn tin cậy. Xin điểm một vài con số về sức tiêu thụ của sản phẩm OCOP trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 vừa qua.
Tại Hội chợ Xuân, sản phẩm OCOP tăng gấp 3 lần về số lượng so với
năm trước song “cầu” vẫn lớn hơn “cung”. Chỉ trong 4 ngày đầu mở cửa Hội chợ đã
có 7 tạ miến Bình Liêu, 50 lít mật ong Bình Liêu, 1 tấn cam Canh Đông Triều
được tiêu thụ trên thị trường. Và đến ngày thứ 6 thì 43 sản phẩm OCOP các loại
đã không còn hàng để bán, theo đó, doanh số tăng gấp đôi so với Hội chợ Xuân
2014. Tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Hoành Bồ cũng trong tình trạng
“sạch bách”. Cùng thời điểm Tết, ở cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa
bàn TP Hạ Long mang tên Trường Sa Quán (đối diện bên phải Big C) cũng đã tiêu
thụ 1 tấn miến Bình Liêu, 600 chai mắm Cái Rồng, hàng trăm chai rượu thảo dược
Bình Liêu… Người phụ trách cửa hàng còn cho biết, có nhiều khách đến mua sản
phẩm đóng thành túi quà biếu dịp Tết.

Sản phẩm Nấm Linh Chi Xanh Ba Chẽ đã qua sơ chế, đóng gói
Trước những tín hiệu vui này, đồng thời cũng là bước nâng tầm sản
phẩm OCOP, tỉnh đã quyết định tổ chức cuộc thi thiết kế nhãn hiệu, kiểu dáng
công nghiệp bao bì cho các sản phẩm. Để đảm bảo cho công tác tổ chức, đến nay,
cùng với kế hoạch về cuộc thi, tỉnh đã ban hành thể lệ rất rõ ràng, chi tiết.
Theo đó, có 33 sản phẩm nằm trong danh mục của cuộc thi thiết kế nhãn hiệu,
kiểu dáng công nghiệp bao bì.
Ở cuộc thi này, đối tượng tham gia được mở rộng đến mọi tổ chức,
công dân trong và ngoài nước… Đối với thiết kế nhãn hiệu, mỗi sản phẩm, một tác
giả tham gia dự thi gửi không quá 2 mẫu; đối với thiết kế kiểu dáng công nghiệp
bao bì sản phẩm cũng như vậy. Trong thể lệ cuộc thi cũng đã xác định rõ 8 tiêu
chí đánh giá sản phẩm dự thi: Đó là sự độc đáo, sáng tạo trong thiết kế; thể
hiện được những nét đặc trưng, độc đáo của các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng
Ninh; có tính thẩm mỹ, khoa học, tạo được ấn tượng cho người tiêu dùng; thuận
lợi trong việc sản xuất, sử dụng; có khả năng ứng dụng được các công nghệ mới,
tiên tiến vào sản xuất; chưa từng tham gia các cuộc thi khác; sản phẩm chưa
xuất hiện trên thị trường; không vi phạm các quy định của Luật pháp Việt Nam
hoặc bản quyền của các tổ chức, cá nhân khác đã được Nhà nước công nhận.
Với bước tiến mới này, thêm một lần nữa “chắp cánh” cho chương
trình OCOP của Quảng Ninh không chỉ vươn xa trong thị trường mà điều có ý nghĩa
hơn cả chính là mở rộng cơ hội làm giàu cho người nông dân, góp phần tích cực
tạo diện mạo sáng cho nông thôn mới.
Ngọc Lê
|